Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng cần đẩy mạnh hỗ trợ những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, hướng đến phát triển chuỗi thủy sản bền vững.
Tạ Mekong Startup 2022 diễn ra tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) chiều ngày 20/12, các diễn giả đã có nhiều thảo luận để tìm ra giải pháp xanh hóa chuỗi thủy sản. Phiên đặt vấn đề và ý kiến có sự tham gia của ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vĩnh Hoàn và ông Nông Văn Thạch - đại diện Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Ba Đình.
Mở đầu phiên báo cáo tóm tắt kết quả đối thoại, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vĩnh Hoàn nêu những thuận lợi và khó khăn trong canh tác và sản xuất ngành hàng cá tra. Bà cho rằng, bên cạnh dư địa phát triển, việc sản xuất con cá tra hiện nay được đánh giá còn manh mún, năng suất và chất lượng chưa cao. Cụ thể, hệ số FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn, tỷ lệ kg thức ăn trên một kg cá tăng trưởng) ghi nhận còn thấp, công nghệ tự động và tư duy số hóa canh tác chưa phổ biến. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng nuôi cũ như đào ao sâu vẫn tồn tại nhiều, khó áp dụng công nghệ tuần hoàn.
Tuy vậy, theo lãnh đạo Tập đoàn Vĩnh Hoàn, những thách thức trên là cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Bà Khanh bày tỏ, đã đến lúc cần có những đề án nghiên cứu về nâng tỷ lệ sống con cá tra, tăng hệ số FCR, giảm chi phí canh tác và chất thải nuôi trồng ra môi trường. Ngành thủy sản cần có những nhà phát triển vaccine cho cá giống, cải tiến chất lượng lương thực, ứng dụng phế phẩm sinh học vào chuỗi thức ăn...
"Startup nên vận dụng các công nghệ nuôi tuần hoàn, tự động hóa để gần gũi với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng vùng đồng bằng sông Cửu Long, giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng và năng suất con cá tra", bà Khanh cho biết.
Lãnh đạo Tập đoàn Vĩnh Hoàn đưa ra lưu ý cho các nhà startup khi tham gia vào chuỗi thủy sản. Thứ nhất, cần nên ưu tiên thực hiện đề án nuôi giống cá tra chất lượng cao, minh bạch các sở sở cung cấp giống. Ngoài ra, các nhà khởi nghiệp cần áp dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi số vào canh tác, nuôi trồng, góp phần giảm phát thải. Doanh nghiệp cần quan tâm công tác đào tạo cho những người tham gia vào chuỗi sản xuất này và các ngành hàng khác cùng hưởng lợi trên dòng sông Mekong về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Về kiến nghị chính sách, vị này cho rằng nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ tối đa về vốn, thuế cho các doanh nghiệp trẻ tham gia nghiên cứu, giải quyết chính sách kịp thời, nhanh chóng, tránh vụt mất cơ hội. Song song đó, bà cũng nêu vấn đề cần xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường truyền thông để thu hút đầu tư. Thông qua diễn đàn, đại diện Vĩnh Hoàn kêu gọi cần nên tổ chức quỹ phát triển thị trường cho công tác nghiên cứu đề án giảm phát thải ngành cá tra. Dẫn ví dụ ở Na Uy, nhờ vào nguồn lực của quỹ phát triển thị trường, sản phẩm cá hồi nước này tạo tiếng vang toàn cầu về chất lượng.
"Chúng tôi hiểu rằng nông nghiệp xanh là xu thế, tương lai và sự sống còn của ngành thủy sản. Đại diện ngành hàng cá tra, chúng tôi cam kết đồng hành cùng Chính phủ để bền vững hóa ngành này", bà Khanh nhận định.
Sau phần tóm tắt của lãnh đạo Tập đoàn Vĩnh Hoàn, ông Nông Văn Thạch - đại diện hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (Bạc Liêu) có những chia sẻ về mô hình canh tác tôm lúa. Theo ông Thạch, tôm lúa là phương thức áp dụng từ lâu tại một vài địa phương đồng bằng sông Cửu Long, được các nhà khoa học đánh giá chống biến đổi khí hậu, ít ảnh hưởng môi trường.